Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

75% NƯỚC THẢI CHƯA QUA XỬ LÝ ĐƯỢC THẢI RA MÔI TRƯỜNG


Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã cơ bản được chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa với sự phát triển chóng vánh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phát triển quá “nóng” các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, gây lãng phí tài nguyên đất, làm gia tăng nhiều vụ khiếu kiện về đất đai, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Tổng lượng nước thải tại các khu công nghiệp đang hoạt động ước tính lên tới hơn 1 triệu m3/ngày đêm (chiếm 35% lượng nước thải trên toàn quốc), trong đó hơn 75% không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường. Nước thải khu công nghiệp phần lớn chứa nhiều thành phần nguy hại nên nếu không được xử lý thì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực lân cận, nghiêm trọng hơn là đe dọa sức khỏe của người dân. Trường hợp Công ty bột ngọt Vedan ở Đồng Nai “đầu độc” sông Thị Vải suốt 14 năm bằng cách thiết kế đường ống ngầm để xả thải không qua xử lý ra môi trường là một điển hình. Tổng thiệt hại mà đơn vị này gây ra đối với hoạt động nuôi trồng thủy hải sản của hàng ngàn nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hoặc trường hợp Công ty Fomosa ở Hà Tĩnh xả nước thải có chứa Phenol, Cyanua, Hydroxit Sắt  ra biển làm cá chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh duyên hải miền Trung.

Điều đáng lo ngại là hầu hết những lưu vực sông lớn có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, và cung cấp nước sinh hoạt như sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy, sông Thị Vải, sông Đồng Nai… hiện đang bị ô nhiễm nặng nề do phải “gánh” một lượng lớn nước thải không qua xử lý từ các khu công nghiệp. Sông, suối vốn là nguồn tiếp nhận và vận chuyển chủ yếu các chất ô nhiễm trong nước thải từ các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nếu nước thải chứa chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm giảm lượng ôxy trong nước khiến các loài thủy sinh bị thiếu ôxy và chết hàng loạt. Các loại dầu mỡ, kim loại nặng, hóa chất trong nước cũng sẽ đi vào chuỗi thức ăn và cuối cùng quay lại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thực tế các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, Nhuệ – Đáy, nhiều đoạn đã trở thành sông “chết” do nồng độ ô nhiễm quá cao.
Cá chết do nhiễm độc trôi dạt vào bờ
(Ảnh: Phóng viên)
         
Không chỉ phát sinh nước thải gây ô nhiễm, các khu công nghiệp còn gây ô nhiễm không khí từ nguồn khí thải và gây ô nhiễm đất từ lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý. Ô nhiễm khí thải chủ yếu đến từ các nhà máy cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc chưa xây dựng hệ thống khử lý khí thải. Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp có phát thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất.
Chuyện ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp vốn là câu chuyện “dài tập” khó xử lý với mâu thuẫn căn bản giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích về mặt môi trường cũng như sức khỏe của người dân. Hai lợi ích này khó hòa đồng và thường phát sinh thành các vụ tụ tập đông người, gây bất ổn về an ninh trật tự, đơn cử như các vụ xảy ra gần đây ở Đà Nẵng, Bình Định khi người dân dựng lều ngăn xe ra vào doanh nghiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp hoặc gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền.


Ống xả thải ngầm của nhà máy xử lý nước thải Sonadezi tại Khu công nghiệp Sonadezi Long Thành
(Ảnh: Cục Cảnh sát Môi trường)

 Bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra và xử phạt vi phạm
Một trong những lý do khiến công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do chức năng giám sát, kiểm tra về môi trường của Ban quản lý các khu công nghiệp chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống xử lý nước thải công nghiệp rất tốn kém, không phải chủ đầu tư khu công nghiệp nào cũng sẵn sàng triển khai, do đó công tác bảo vệ môi trường thường bị bỏ ngỏ hoặc chỉ làm mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.
Thêm điểm đáng chú ý là hiện nay, công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp vẫn mang tính sơ sài, hình thức, không có cơ chế hậu kiểm đối với dự án đang trong quá trình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý; việc cấp Giấy phép xả thải, đấu nối vào hệ thống xả nước thải tập trung của khu công nghiệp chỉ dựa trên báo cáo một phía từ doanh nghiệp chứ cơ quan cấp phép là các Sở, Chi cục Tài nguyên – Môi trường không tiến hành kiểm tra thực tế nên không phản ánh đúng thực trạng gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc xác định hậu quả về môi trường cũng không hề đơn giản bởi phải sau mười, thậm chí nhiều chục năm sau mới bộc lộ rõ, khi đó thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết. Thêm nữa, việc tính toán mức độ tổn hại về sức khỏe hay tổn hại với môi trường sinh thái cũng không dễ thực hiện do hạn chế về trình độ kỹ thuật của Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao không khởi tố được các vụ việc gây ô nhiễm lớn như Vedan, Tungkuang… , và vì sao lực lượng Cảnh sát môi trường hoạt động đã được gần 7 năm nhưng số vụ khởi tố hình sự lại chiếm tỉ lệ không đáng kể so với số vụ xử phạt hành chính.



1 nhận xét: